Công tác Nhật Bản - Work travel in Japan |
Thứ năm, 03 Tháng 11 2011 – Viết bởi thevinh |
Anh Thế Vinh tham gia chuyến biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam mang tên “Hoa Đào” tới tỉnh I-oa-tê, Nhật Bản. Âm nhạc Việt Nam bồi đắp tình hữu nghị Nhật - Việt (Dân trí) - Hơn 7 tháng kể từ sau thảm họa, cuộc sống của những cư dân vùng đông bắc Nhật Bản đang dần lấy lại nhịp đập bình thường. Tuy nhiên, khó có từ ngữ nào diễn tả được cảm giác của chúng tôi khi chứng kiến những khu vực bị sóng thần càn quét tại I-oa-tê. Nhân chuyến biểu diễn của đoàn nghệ thuật Việt Nam mang tên “Hoa Đào” tới tỉnh I-oa-tê, nhóm phóng viên chúng tôi lại được dịp đến để tìm hiểu thêm về cuộc sống tại những khu vực chịu thảm họa sau 7 tháng kể từ ngày lịch sử 11/3. Mất 2 tiếng di chuyển từ thủ đô Tô-ki-ô tới thành phố Mô-ri-ô-ka (Morioka), thủ phủ của I-oa-tê bằng tàu điện cao tốc, rồi tiếp tục di chuyển thêm 100 km bằng ô tô để xuống thành phố Mi-ya-cô (Miyako) chưa thể giúp chúng tôi thực sự cảm nhận được sự tàn phá do xe chủ yếu di chuyển trên đường núi. Tầng 1 toà thị chính thành phố Miyako được che kín bằng gỗ ép. Những bức tường kính sang trọng trước đây đã bị sóng thần đánh sập. Phó thị trưởng I-chi-rô Na-gô-si (Ichiro Nagoshi) cho biết hôm 11/3 nước ngập tới tầng 2 của tòa nhà và đến tận rạng sáng ngày hôm sau mới rút hết. Cả thành phố có gần 5000 ngôi nhà bị phá hủy, khoảng 500 người chết và hàng trăm người mất tích. Theo ông, số mất tích này có lẽ sẽ còn rất lâu nữa hoặc không bao giờ được xác định là đã chết bởi những gia đình mất người thân, những ông bố, bà mẹ mất con vẫn không nguôi hy vọng một ngày nào đó phép lạ sẽ xảy ra. Ngôi nhà thủng lỗ chỗ, trơ cốt thép Chứng kiến tận mắt khu vực ven biển tại đây mới thấy được rằng quả thực, con người vẫn bất lực trước những cơn cuồng nộ của tự nhiên. Những con phố nham nhở, hoang tàn. Lác đác vài hộ dân mới quay trở lại sinh sống. Nếu không có tiếng rì rì phát ra từ những chiếc ô tô qua lại trên đường người ta có thể lầm tưởng đang lạc vào một nền văn minh đã bị quên lãng. Phần lớn gạch ngói đổ nát đã được thu dọn, chỉ còn những móng nhà trơ trọi. Một số ngôi nhà chưa sập hẳn nhưng thủng lỗ chỗ hay trơ cốt thép. Một chiếc xe ô tô bị sóng thần cuốn trôi đang đứng trơ trọi, dúm dó chờ được bốc xếp tới khu vực tập trung. Một phụ nữ trung tuổi dừng xe, tần ngần trước một xác nhà ngay mặt phố. 7 tháng trước đó có lẽ là một tiệm mỳ nườm nượp khách của gia đình chị. Con tàu hàng nghìn tấn bị sóng cuốn trôi vào tuyến đê biển trong cùng Tại một trường tiểu học, cũng là địa điểm cứu nạn khẩn cấp do tọa lạc trên một vùng đất cao, một bức ảnh chụp quang cảnh nơi đây chỉ 1 giờ trước khi đợt sóng thần đầu tiên cuộn tới cùng sự chết chóc được dựng lên. Hình ảnh về một thị trấn sầm uất, yên bình giờ chỉ gói gọn trong một bức ảnh khổ A3 gắn trên một hàng rào B40 rỉ sét. Phía sau hàng rào, những khóm lau dại đang trườn mình hòng lấp đi những chân tường, móng nhà còn sót lại. Ta-cô (Tako) là khu nhà tạm lớn nhất tại tỉnh I-oa-tê với 407 hộ gia đình. Đây cũng là 1 trong 10 điểm lưu diễn của đoàn nghệ thuật “Hoa đào”. Anh Vũ Quang Luân trưởng đoàn cho biết, hàng năm đoàn đều sang Nhật Bản biểu diễn nhằm quyên góp ủng hộ cho các nạn nhân chất độc màu da cam ở Việt Nam. Tuy nhiên, năm nay đoàn sẽ diễn 3 xuất miễn phí tại I-oa-tê, Phư-cư-si-ma (Fukushima) và Mi-ya-ghi (Miyagi), những tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong thảm họa vừa qua. Anh hy vọng chương trình là tình cảm của các diễn viên trong đoàn nói riêng và cũng là của người dân Việt Nam nói chung nhằm chia sẻ, động viên những người dân tại vùng bị nạn. Rất nhiều chiếc đồng hồ dừng lại ở thời điểm 3h25’ khi sóng thần tràn vào thành phố Những tràng pháo tay không ngớt sau mỗi bài ca, điệu múa. Những giọt nước mắt đã rơi trong từng nốt nhạc của bài hát “Phư-rư-sa-tô” (Furusato), tiếng Việt có nghĩa là quê hương. Lời bài hát thay cho sự đồng cảm, chia sẻ như đã chạm được tới những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng những con người buộc phải rời xa mái ấm thân thương của mình. Anh Ha-na-oa (Hanawa), một người dân trong khu tạm trú xúc động nói: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một chương trình hòa nhạc của Việt Nam. Buổi biểu diễn thật tuyệt vời với những điệu múa tuyệt đẹp và lời ca ngọt ngào. Buổi biểu diễn tuy ngắn nhưng rất nhiều nạn nhân chúng tôi đã được an ủi, động viên rất nhiều. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng vượt qua những khó khăn hiện nay. Xin cảm ơn các bạn”. Hàng năm, đoàn nghệ thuật “Hoa đào” đều tổ chức lưu diễn tại Nhật Bản để quyên góp ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam Hình ảnh nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh vừa thổi ác-mô-ni-ca vừa chơi đàn ghita chỉ với một tay khiến tôi chợt nghĩ tới nghị lực của người dân Nhật Bản. Anh Vinh cho biết, đây là lần thứ 2 anh tới Nhật, tuy nhiên cảm xúc lần này thật khác biệt, chứng kiến những khu vực bị sóng thần tàn phá, anh mong rằng bạn bè Nhật Bản thật kiên cường, bản lĩnh để sớm lập lại cuộc sống ổn định. Tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh khiến khán phòng thực sự xúc động Trước khi chia tay thành phố, Đại sứ Nguyễn Phú Bình cùng đoàn nghệ thuật và người dân nơi đây đã tổ chức trồng cây lưu niệm. Những cây nê-mư-nô, hay còn gọi là cây 3 lá tượng trưng cho quan hệ bền chặt trong gia đình sẽ được người dân nơi đây chăm sóc, nâng niu. Cũng như tình cảm giữa 2 đất nước, 2 dân tộc sẽ ngày được bồi đắp, phát triển. Đại sứ Nguyễn Phú Bình và đoàn nghệ thuật “Hoa đào” trồng cây lưu niệm tại khu tị nạn của thành phố Miyako. Việt Dũng |
Lần cập nhật cuối lúc Thứ sáu, 06 Tháng 4 2012 23:41 |