Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, ở làng quê nghèo xứ cát bỏng: Bắc Bình, Bình Thuận - vùng đất thừa nắng, thừa gió và đất bạc màu. Nỗi buồn bắt đầu cuốn lấy Vinh từ tuổi lên 4, triền miên như thể là định mệnh đã buộc vào. Cha mất vì bom đạn chiến tranh, ba năm sau, người mẹ quá đau buồn, sức khoẻ và tinh thần cũng theo đà tuột dốc, bỏ lại đàn con thơ theo chồng về chín suối. Tiếp đó, người anh trai cũng buồn quá mà đi theo cha mẹ.
Lên 8 tuổi, Vinh bị ngã gãy tay trong một buổi chăn bò. Lý do nghe thật đơn giản mà đắng chát: “Do mình nhỏ quá, ngồi trên lưng con bò đi trước, kéo con sau, bị con bò giằng sợi dây lại, thế là ngã gãy tay”.
Bấy giờ, do không có điều kiện, và còn nhỏ chưa có ý thức nên đã không chữa trị vết thương đúng cách, chỉ bó tay bằng thuốc Nam với những nắm thuốc lá qua loa nên cánh tay bị nhiễm trùng, hoại tử. Đưa vào bệnh viện thì đã trễ, phải cưa cụt cả cánh tay. Hè năm lên lớp 3 ấy, Vinh phải vượt qua nỗi đau đầu tiên bằng cách tập viết tay trái. Lần đầu vào lớp 1, Vinh thuận tay trái, cô giáo phải cầm thước khẻ lên tay để cậu tập viết thuận tay phải. Lên lớp ba lại tập viết bằng tay trái, vì cánh tay phải đã gãy mất.
Hụt hẫng, đau, cảm giác ngày ấy in đậm mãi trong Vinh. Tuổi thơ của cậu còn đọng lại vẫn là những buổi chăn bò, giúp ông ngoại ra sông lưới cá, mọi việc đều một tay vật lộn mà không lời kêu ca. Khó khăn khiến Vinh có vẻ nhỏ thó, đen đúa. Cậu già trước tuổi với đôi mắt ngợp ưu phiền. Sau những chật vật cuộc đời đẩy đưa, Vinh luôn ý thức: mình là trụ cột trong gia đình chỉ còn một chị, một em trai.
Ngã rẽ về Sài Gòn
Vinh theo học hết cấp 3 ở Bình Thuận, lặn lội vào Sài Gòn học nghề vẽ quảng cáo để mưu sinh. Đất Sài Gòn vẫn là điểm đến của nhiều số phận hẩm hiu nhưng tràn trề hy vọng. Vinh ở trọ cùng mấy anh sinh viên Đại học Kinh tế, bị “khích” thi đại học. Ừ thì thi, cùng với sự nỗ lực tự thân và sự giúp đỡ lẫn “khích bác”, sẻ chia của đám bạn, Vinh rẽ vào đường học như thế và đậu kỳ thi ấy. Làm một cậu sinh viên Đại học Kinh tế - “mỗi mình già” phần vì tuổi nhiều hơn, phần vì hoàn cảnh khắc hằn trên gương mặt.
Ngày vào thành phố trọ học, Vinh chỉ mang theo mình bộ đồ và túi đựng sách bút. Học, cố gắng lấy học bổng, và đi dạy kèm, không ngại kiêm luôn việc giữ xe ở khu Ký túc xá Trần Hưng Đạo, anh gồng gánh luôn người em từ quê vào. Có năm, Vinh phải bảo lưu kết quả học một năm, đi dạy kèm kiếm tiền, rồi mới học tiếp. Ra trường, qua nhiều công việc, anh dừng lại với nghề điện tử, kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động, lúc này đang là “mốt” vì nhiều khách, nhiều hàng. (cách đây 5, 7 năm).
Việc làm “thầy thuốc” chữa trị những chú “dế” mobile nho nhỏ không phải dễ với Vinh. Một tay anh phải xoay chuyển nhẹ nhàng để chiếc máy không lệch so với tư thế của mình. Chuyện “đổ mồ hôi hột” vì sửa máy là thường tình. Chỉ một cánh tay, mọi việc có thể sẽ khó gấp đôi so với người khác. Chàng trai này chia sẻ như thế.
Công việc của anh hiện nay là mở lớp dạy cho các em cấp 3 và luyện thi đại học (dạy cả 3 môn toán, lý và hóa) tại Bến Cát, Bình Dương, ngoài ra anh còn biểu diễn âm nhạc ở Tp. Hồ Chí Minh để có thu nhập, đáp ứng nhu cầu cuộc sống và thực hiện ý nguyện của mình.
Cuộc đời Anh đã trải qua nhiều thăng trầm, nên mỗi khi có dịp đi thăm các trại mồ côi, anh cảm thấy bùi ngùi vì hình ảnh tuổi thơ của mình tái hiện. Chính điều đó đã thôi thúc anh phải suy nghĩ, phải làm gì cho các em trong khả năng của mình. Anh thấy con đường học vấn là phù hợp nhất để các em tìm một cuộc sống ổn định và hòa nhập xã hội. Trong khả năng và kinh nghiệm của mình, anh sẽ dìu dắt và dạy cho các em có một trình độ để bước chân vào đại học, để có một khả năng thực sự đáp ứng được công việc sau này của các em khi vào đời.
Vinh mong trong khả năng của mình cùng sự hỗ trợ của những người có tấm lòng, anh sẽ giúp các bạn học sinh cấp III nghèo, mồ côi, khuyết tật ở Bến Cát và cả các nơi khác, “thêm một người là tốt cho một người”, được có chỗ ăn học đến khi xong đại học. Các em rất đáng thương, nếu không được giúp đỡ sẽ không thể đi hết được con đường. Tôi mong trong kinh nghiệm và khả năng của mình sẽ giúp các em rút ngắn được đường đi và đi đúng hướng, trở thành công dân tốt trong tương lai. Tôi tin các em sau này sẽ tự lập được và quay về giúp lớp đi sau có hoàn cảnh tương tự mình ngày trước...”
Bên cạnh đó anh thường tham gia các đêm nhạc từ thiện do các Báo và Đài Truyền hình tổ chức. Và đã có một chuyến lưu diễn dài ngày ở Pháp và Đức trong chương trình gây quỹ cho trẻ em Việt Nam bị nhiễm dioxin do hội VNED tổ chức. Bây giờ, anh đã có một lượng khán giả trong và ngoài nước thương mến hiểu được cuộc đời và ước nguyện của anh.
Giới thiệu đôi nét về chàng Hiệp sĩ một tay trên các báo
Tấm lòng của “hiệp sĩ một tay” (Tuoitre.vn) Xin được gọi đó là “tình người”! (Tuoitre.vn) Nguyễn Thế Vinh: Một tay tạo sóng (Vietnamnet.vn) “Quái kiệt” Nguyễn Thế Vinh (Dantri.com.vn) Trịnh Công Sơn: “Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài…” (Vnexpress.net) Radio online NST 58: Gần hơn với bầu trời (Tuoitre.vn) Thế Vinh, Thủy Tiên dự Liên hoan âm nhạc dành cho người khuyết tật “Quái kiệt song tấu” và trẻ bất hạnh (thanhnien.com.vn) |