NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH ĐẾN THĂM HƯỚNG DƯƠNG |
Thứ ba, 29 Tháng 4 2014 – Viết bởi thevinh |
NHÀ VĂN CỦA LỨA TUỔI MỘNG MƠ Nguyễn Nhật Ánh là tên và cũng là bút danh của một nhà văn Việt Nam chuyên viết cho tuổi mới lớn. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận ông là “nhà văn viết sách cho thanh thiếu niên nhiều nhất Việt Nam” Các tác phẩm tiêu biểu: Tôi là Bêtô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, 54 tập Kính vạn hoa, 28 tập Chuyện xứ Lang Biang ... "Ngồi khóc trên cây" (Tháng 6/2013) Tác phẩm mới nhất Chúc một ngày tốt lành (xuất bản ngày 6 tháng 3 năm 2014)
Ngoài viết văn, Nguyễn Nhật Ánh còn viết bình luận bóng đá với cái tên Chu Đình Ngạn trên báo Sài Gòn Giải Phóng và phụ trách mục Vườn Hồng với cái tên Anh Bồ Câu trên báo Thanh Niên. “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em” (Nguyễn Nhật Ánh)
“Thông thường, dù bạn là ai, ở thời nào, bạn cũng có một khoảng thời gian của tuổi hồn nhiên, đầy mơ mộng. Vùng kỷ niệm đó luôn đáng yêu, đáng nhớ và trở thành miền ký ức khó phai trong cuộc đời. Con người có thể dễ dàng thay đổi một kiểu tóc, một cách ăn mặc, thậm chí một cách tư duy. Nhưng về phương diện cảm xúc, một cậu bé cô bé thời nay cũng chẳng khác mấy một cô bé cậu bé cách đây nửa thế kỷ. Nhu cầu về vật chất có thể biến đổi qua từng thời kỳ, nhưng những cung bậc của tâm hồn ít chịu tác động bởi môi trường. Óc tưởng tượng và khát vọng khám phá thế giới của tuổi thơ, những rung động trước bạn bè khác giới của lứa tuổi mới lớn về căn bản thời nào cũng giống nhau, bởi đó là vấn đề muôn thuở của con người.” (Nguyễn Nhật Ánh)
“...Bằng hình thức đặc thù của mình, văn chương góp phần mài sắc các ý niệm đạo đức nơi người đọc một cách vô hình. Được nuôi dưỡng bởi văn chương chân chính, trẻ em lớn lên sẽ biết yêu thương đồng bào, đồng loại, biết dị ứng và chống lại cái xấu, cái ác, biết yêu tự do... Bồi đắp tâm hồn và nhân cách một cách âm thầm và bền bỉ, đó là chức năng gốc rễ của văn chương, đặc biệt là văn chương viết cho thanh thiếu niên...” (Nguyễn Nhật Ánh)
MỘT CHUYẾN THĂM CƠ SỞ HƯỚNG DƯƠNG
Qua những người bạn của thầy Vinh, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh biết đến thầy và ngôi trường Hướng Dương. Những lần công tác ở Sài Gòn, thầy Vinh thỉnh thoảng gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn về ước mơ và hoài bão của mình, trong đó có những trăn trở về việc giáo dục và phát triển mặt tinh thần cho các học sinh ở Hướng Dương. Rồi cả hai người nghệ sĩ và nhà văn đã chọn một ngày đẹp trời để chuẩn bị cho một buổi giao lưu giữa nhà văn và học sinh Hướng Dương. Sáng ngày 23/4/2014, thầy và trò rộn rã đón tiếp đoàn của Công ty sách Kính Vạn Hoa và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đến thăm cơ sở Hướng Dương. Xuất hiện trong trang phục sơ mi giản dị, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và các thành viên tươi tắn với những nụ cười thân thiện. Khoảnh khắc gặp gỡ thần tượng “Kính Vạn Hoa” thật khó tả trên những khuôn mặt vừa tươi cười, vừa rụt rè ân cần với những câu chào và cái bắt tay nồng ấm của những đứa trẻ tuổi ô mai. Các cô chú anh chị trong đoàn hỏi thăm về tình hình học tập và sinh hoạt của một số em. Sau đó mọi người cùng nhau đi tham quan quanh khuôn viên cơ sở, các phòng học và phòng ở của học sinh.
Chẳng bao lâu, buổi sinh hoạt, trò chuyện và giao lưu với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được bắt đầu. Trong gian phòng thoáng mát, sáng sủa, thầy và trò say sưa lắng nghe từng chia sẻ, từng câu chuyện về tuổi thơ của tác giả những cuốn truyện làm say mê hàng triệu độc giả. Trong phần giao lưu hỏi đáp, học trò Minh đưa ra câu hỏi: “Tại sao những kết cục trong chuyện đều là những kết cục buồn và kết thúc lửng?” Nhà văn chia sẻ rằng những câu chuyện mà ông viết là những câu chuyện về tình cảm rung động của lứa tuổi học trò. Tình cảm của tuổi mới lớn thì sẽ đẹp và khác với tình cảm của người lớn. Các câu chuyện có kết cục lửng để người đọc tự suy ngẫm. Cảm hứng viết một số truyện có thể là có thật và một số khác là hư cấu. Khi nhà văn bí đề tài thì khả năng hư cấu giúp nhà văn có thể để viết tiếp câu chuyện đó.
Nhà văn còn chia sẻ với thầy trò Hướng Dương về nguồn cảm hứng sáng tác và trở thành nhà văn. Từ thuở thiếu thời, ông đã thích sáng tác thơ văn. Ông đã biết bắt chước và thay đổi một số từ ngữ của người khác thành cái của mình. Lâu dần, phần bắt chước ít đi và cái của mình nhiều lên. Ông còn bộc bạch rằng không có sẵn trường học để học làm nhà văn. Ông học khoa sư phạm và học đủ thứ nghề khác. Trong thời gian làm những công việc khác nhau, ông vẫn miệt mài sáng tác và trở thành nhà văn như ngày hôm nay. Những khi không có cảm hứng sáng tác, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường hay ra quán “Đo Đo” của vợ mình tại thành phố Hồ Chí Minh để quan sát, tìm hiểu cuộc sống và viết lại những câu chuyện có thật ở đó. Ông là người hâm mộ những tên tuổi lớn của nền văn học trong và ngoài nước với những cuốn truyện hay và đặc sắc. Ngày trước, Nguyễn Nhật Ánh nghĩ rằng những tác giả ấy phải là những thiên tài có ba đầu sáu tay mới có thể viết ra những tác phẩm hấp dẫn như vậy. Ông ao ước lớn lên sẽ là một nhà văn giống như họ. Về lứa tuổi thiếu nhi, nhà văn chia sẻ: “Không một trẻ em nào chưa từng hờn dỗi cha mẹ mình. Có thể cha mẹ răn dạy và đánh ta, có khi bị oan uổng mà mình không thể nói ra được...” Những yếu tố này có trong các sáng tác của tác giả.
Cuối buổi trò chuyện, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trao tặng trọn bộ gần 100 đầu sách nổi tiếng của ông, trong đó có những sáng tác mới nhất. Ông hy vọng qua các câu chuyện trong mỗi tập sách, các em học sinh sẽ tìm lại được kỷ niệm tuổi thơ của chính mình, lắng đọng những cảm xúc hồn nhiên, dâng trào, trong sáng và một chút lãng mạn trong tâm hồn tuổi học trò. Từ đó, các em sẽ có thêm sức mạnh tinh thần, có suy nghĩ tích cực, bồi đắp tình cảm trong sáng và yêu thương cuộc sống nhiều hơn.
Giờ phút chia tay thật quyến luyến và thân thương. Tất cả học sinh Hướng Dương không thể nào quên được những lời chia sẻ ân cần, lời động viên chân thành của nhà văn và các cô chú anh chị trong đoàn công ty Kính Vạn Hoa. Dưới cái nắng chói chăng của những ngày giáp hè, cuộc chia tay thêm nồng ấm và thân tình. Những đóa hoa phượng đỏ lung lay trong gió như thay cho một lời chào tiễn bước với đoàn. Tạm biệt nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một con người chân tình, giàu cảm xúc và bình dị. Thầy và trò Hưóng Dương tri ơn ông và công ty Kính Vạn Hoa về một kỷ niệm khó quên này.
DÒNG CẢM XÚC VỀ NHỮNG SÁNG TÁC MỚI NHẤT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NHẬT ÁNH Đọc truyện, chúng ta như tìm thấy đâu đó tuổi thơ của mình, không nhiều nhưng đủ làm cho bạn đọc phải chạnh lòng, nuối tiếc và cũng muốn xin một chiếc vé lên con tàu đi “tuổi thơ” để tìm lại cái ngày trong veo thuở nào. (e-News ĐẠI HỌC AN GIANG) Mỗi trang tạp văn là một miền ký ức của Nguyễn Nhật Ánh. Ông may mắn được sống hết mình với một tuổi thơ hết sức “đậm đà”, một tuổi trẻ tràn trề nhiệt huyết và một tuổi trung niên trọn vẹn tình bằng hữu, thỉnh thoảng lại “điểm xuyết” thêm niềm vui khám phá qua những chuyến đi đó đây. Nguyễn Nhật Ánh nhớ quê. Ông mang hết ký ức vào văn chương của mình để rồi thỉnh thoảng mở ra đọc lại, từng thước phim quá khứ cứ thế hiện về, rõ mồn một. Nhiều độc giả nhí thời kỹ thuật số nhờ những thước phim kỷ niệm này mà biết thế nào là bắt dế, tìm tổ chim, tắm sông, bẻ mía trộm…” Bình luận của Nguyễn Ngọc Lan Chi (Nguồn: Thanh Niên)
|